Lạm dụng nước súc miệng sẽ gây hỏng răng
Gây hấp dẫn với hơi thở cay nồng của bạc hà và lời hứa hẹn giúp răng miệng sạch sẽ, thơm tho, nước súc miệng đã bùng nổ thị trường trong những năm gần đây. Hiện nay có khoảng 55% công chúng sử dụng nước súc miệng, so với 40% trong năm 2006, theo số liệu của các nhà nghiên cứu Mintel.
Bệnh nướu răng bắt đầu với mảng bám. Vi khuẩn bám trên răng nếu không được loại bỏ bằng cách đánh răng kịp thời sẽ gây ảnh hưởng đến nướu, gây chảy máu và hư răng. Nước súc miệng có thể là những giải pháp trong các trường hợp này. Một nghiên cứu trên Tạp chí Nha khoa lâm sàng đầu năm nay cho thấy dùng nước súc miệng khử trùng hai lần một ngày làm giảm sự tích tụ các mảng bám và giảm viêm nướu trên sáu tháng, tránh được bệnh hôi miệng.
Tuy nhiên, có rất nhiều ý kiến khác nhau về lợi ích của việc sử dụng nước súc miệng.
Nhiều chuyên gia khác cho rằng việc chi tiêu tiền mua nước súc miệng là không cần thiết.
“Nếu bạn đánh răng đúng cách, dùng chỉ nha khoa hợp lý, có mức độ sâu răng thấp, không bị các vấn đề về răng miệng như hôi miệng thì việc sử dụng nước súc miệng là khá lãng phí”, tiến sĩ nha khoa Phil Stemmer cho biết.
Vấn đề ở đây là nhiều người nghĩ rằng chỉ cần dùng nước súc miệng là đủ chứ không chú trọng đánh răng đúng cách. Theo Tiến sĩ Sally Goss, Trung tâm nha khoa Harley Street Studio, mảng bám ở răng thực ra rất chắc chắn, chỉ có thể lấy nó ra khỏi răng bằng cách sử dụng bàn chải hoặc chỉ tơ nha khoa. Nước súc miệng sẽ không thể thay thế tốt cho việc đánh răng.
“Nếu sử dụng không đúng, nước súc miệng thậm chí có thể làm giảm hiệu quả của kem đánh răng. Đôi khi có thể có sự tương tác giữa các hóa chất trong kem đánh răng và hóa chất trong nước súc miệng, khiến chúng hủy bỏ lợi ích của nhau”, tiến sĩ Stemmer cho biết.
Cần duy trì khoảng cách giữa việc đánh răng và dùng nước súc miệng. “Kem đánh răng có chứa fluoride giúp củng cố răng. Do đó, việc duy trì dư lượng kem đánh răng có chứa chất này trong thời gian dài giúp răng chắc khỏe hơn”, tiến sĩ Sally Goss chia sẻ.
Bà Sally Goss đề nghị nên sử dụng nước súc miệng vào buổi trưa để không làm ảnh hưởng lợi ích của kem đánh răng. Việc làm sạch các mảng bám thức ăn của bữa ăn trưa có thể giúp giảm sâu răng.
Một sai lầm thường gặp là người ta súc miệng không đủ lâu. “Hầu như mọi loại nước súc miệng đều khuyến nghị mọi người ngậm trong khoảng một phút rồi mới nhổ ra. Tuy nhiên, rất nhiều người ngậm trong thời gian ít hơn, họ không thể tận dụng hết hiệu quả của nó, rất lãng phí”, Sally Goss chia sẻ.
Theo tiến sĩ Stemmer, khoảng 85% người sử dụng nước súc miệng vì hơi thở họ có mùi hôi. Mặc dù nước súc miệng tốt hơn so với kem đánh răng cho hơi thở hôi do các thành phần được dễ dàng hơn xâm nhập vào tất cả những ngõ ngách trong miệng. Tuy nhiên, nước súc miệng sẽ không chữa hôi miệng, nó sẽ chỉ có tác dụng tạm thời trong thời gian ngắn. “Để điều trị hôi miệng, bạn cần sự giúp đỡ của nha sĩ để xác định vị trí các vùng vi khuẩn có thể ẩn nấp và giải quyết triệt để”, tiến sĩ Stemmer nhấn mạnh.
Nước súc miệng hiện nay có nhiều hình thức khác nhau. Nhiều nhất là loại có chứa cồn (21-26%). Cồn thường giúp các thành phần chống vi khuẩn hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu trước đây, loại này ít nhiều liên quan đến ung thư miệng.
Một số loại khác không chứa cồn, thay vào đó sử dụng các tác nhân kháng khuẩn khác như cetylpyridinium clorua, các loại tinh dầu… Đối với các bệnh về lợi xảy ra khi mảng bám tập hợp xung quanh nướu răng, nên dùng các nước súc miệng có chứa chlorhexidine. Chất này tấn công các vi khuẩn và tạo ra một lá chắn bảo vệ chống lại sự tích tụ mảng bám.