Khi bạn mang răng giả tháo lắp thì việc vệ sinh và giữ vệ sinh cho hàm răng giả là rất quan trọng vì đây có thể sẽ là nguyên nhân chính gây nên các bệnh về răng miệng.
Khi mang hàm giả lần đầu tiên bạn sẽ cảm thấy vướng cộm, khó chịu kèm theo nước bọt tiết ra liên tục, phát âm khó khăn và đặc biệt có thể niêm mạc bị sang chấn và đau, loét do hàm giả. Ngoài ra, một số người còn buồn nôn hoặc cảm giác căng thẳng, đau cơ, đau khớp. Những cảm giác vướng cộm, tăng tiết nước bọt hay rối loạn phát âm sẽ giảm dần sau một vài tuần. Tuy nhiên những cảm giác đau niêm mạc do sang chấn hàm giả, đau cơ, đau khớp phải được bác sĩ khám và điều chỉnh.
Nói chung khi mang hàm giả, bệnh nhân phải chấp nhận những khó chịu ban đầu trong vòng một vài tuần. Tuy nhiên nếu những cảm giác này kéo dài nghĩa là hàm giả có vấn đề cần phải được điều chỉnh. Bệnh nhân cần báo cho bác sĩ tất cả những khó chịu cảm thấy, đến kiểm tra để chỉnh sửa các điểm gây sang chấn. Vấn đề quen với hàm giả tùy thuộc từng người. Có người cảm thấy quen ngay trong tuần lễ đầu nhưng cũng có người mất hàng tháng mới quen được. Tuy nhiên thời gian trung bình là 2 – 3 tuần để quen với hàm giả. Khi đã quen với hàm giả, bệnh nhân sẽ thấy khó chịu khi không mang hàm.
Thời gian đầu, khi tập sử dụng, nên mang hàm cả ngày lẫn đêm trong 3 ngày đầu để giúp bệnh nhân quen dần với hàm giả nhanh hơn. Trong thời gian này chắc chắn bệnh nhân sẽ cảm thấy khó chịu và ngoài ra có thể đau do sang chấn niêm mạc. Nếu không đau quá hãy cố gắng mang hàm để phát hiện chính xác vùng đau và báo cho bác sĩ để mài chỉnh. Những ngày kế tiếp, không nên mang hàm khi ngủ. Trước khi ngủ, hãy tháo hàm, chải rửa sạch và ngâm vào một ly nước sạch hoặc thuốc ngâm hàm. Nếu mang hàm khi ngủ thường xuyên, những răng còn lại sẽ rất dễ bị sâu răng (nếu hàm còn răng thật), xương hàm sẽ bị tiêu nhanh hơn, đặc biệt khi mang hàm giả toàn bộ. Ngoài ra, có thể bị nhiễm nấm miệng do mang hàm giả liên tục.
Các cách vệ sinh hàm giả tháo lắp
Vệ sinh hàm giả bằng dung dịch
1. Pha một chén nước ấm với một muỗng canh giấm. Nên dùng giấm trắng. Có thể để răng giả trong dung dịch này suốt đêm. Sau khi lấy răng giả ra, nên rửa răng giả thật sạch nhằm tránh vị chua khó chịu của giấm. Giấm có tác dụng diệt vi khuẩn bám vào răng giả.
2. Pha nước ấm và nước cốt chanh theo tỉ lệ 1:1, ngâm răng giả vào khoảng 30 phút. Không ngâm lâu hơn vì nước chanh có tính chất mài mòn. Chanh sẽ giúp làm cho răng giả sạch sẽ, đồng thời có tác dụng làm răng sáng bóng chẳng khác gì răng mới.
Lưu ý:
- Chải rửa, làm sạch hàm 2 lần/ ngày với bàn chải không làm mòn hàm giả
- Không sử dụng: dụng cụ gây mòn, chất tẩy trắng (trầy bề mặt, mất màu hàm giả)
- Hàm giả dễ vỡ, vì thế rất cẩn thận trong việc cầm nắm khi chăm sóc hàm giả.
- Chải sạch hàm giả và nướu sau mỗi bữa ăn
- Không mang hàm lúc ngủ
- Có thể tháo hàm cả ngày nếu dặt trong nước giữ ẩm.
- Lấy hàm ra khi sử dụng nước súc miệng.
- Có thể sử dụng gel làm ẩm bôi lên nướu hoặc vào hàm giả để giữ ẩm.
- Sử dụng bàn chải lông mềm, lựa chọn kem đánh răng thích hợp, rửa với nước muối.
Một số lưu ý bên cạnh việc vệ sinh hàm giả tháo lắp
Khi mang hàm giả, ngoài việc vệ sinh hàm giả thì việc chăm sóc răng miệng đòi hỏi phải kỹ hơn so với bình thường đặc biệt là các răng mang móc. Những răng này dễ bị nhét thức ăn hơn, do đó nguy cơ sâu răng và bệnh nha chu ở những răng này cũng cao hơn. Ngoài ra, chế độ ăn uống hợp lý cũng góp phần làm cho răng và lợi xung quanh khỏe mạnh.
Trong một số trường hợp, dù hàm giả khít sát nhưng vẫn không dính được do những yếu tố khách quan như nước bọt quá loãng, diện tích nền hàm nhỏ… keo dán hàm giúp cải thiện khả năng dính của hàm giả. Lưu ý rằng keo dán hàm không phải là giải pháp cho trường hợp hàm giả cũ, lỏng. Khi hàm giả lỏng không còn dính, phải đến bác sĩ để kiểm tra và có giải pháp phù hợp. Không nên tự động mua keo dán để giúp hàm dính vì hàm lỏng sẽ làm trầm trọng hơn vấn đề tiêu xương.
Thông thường sau một thời gian (3 – 5 năm) mang hàm giả, hàm sẽ bị lỏng do xương bị tiêu, hàm có thể gãy, vỡ, các răng có thể bị mòn… Nếu hàm lỏng nhưng các răng còn tốt, không bị mòn, có thể bác sĩ chỉ đệm hàm hoặc thay nền hàm là đủ. Trường hợp hàm giả lỏng và các răng mòn nhiều, cách tốt nhất là làm lại hàm giả mới.
Nếu tiếp tục sử dụng với hàm giả đã bị lỏng, việc ăn nhai sẽ mất ngon, khả năng phát âm cũng bị ảnh hưởng. Hàm giả lỏng còn gây đau và có thể gây loét và rất khó chịu.
Việc khám răng miệng định kỳ rất quan trọng dù còn hay mất răng. Mỗi lần khám, bác sĩ sẽ kiểm tra hàm giả có còn tốt hay không: độ khít sát của hàm, độ mòn của răng…Bác sĩ sẽ giúp kiểm soát và phát hiện sớm các bệnh lý miệng, xương hàm và các cấu trúc liên quan, đặc biệt là bệnh ung thư. Biết khám răng miệng đều đặn với một thái độ tích cực, thì dù có mang hàm giả, người mất răng vẫn có thể lạc quan yêu đời và rất tự tin với nụ cười luôn nở trên môi.