Mọc răng là một trong những giai đoạn phát triển ở trẻ. Trẻ sẽ bắt đầu có biểu hiện mọc răng từ 6 tháng tuổi. Tuy nhiên, có những bé sẽ mọc răng sớm hơn hoặc muộn hơn.
Không có quy định cụ thể nào cho thời gian mọc răng của các bé. Có bé mọc răng lúc 6 – 7 tháng tuổi nhưng cũng có bé ngoài 1 tuổi mới mọc răng. Tuy nhiên dù ở tháng nào, thời điểm mọc răng cũng là lúc bé có nhiều thay đổi. Phụ huynh cần cẩn trọng khi trẻ mọc răng bằng cách theo dõi các dấu hiệu dưới đây:
Dấu hiệu bé đang mọc răng
Trước khi răng nhú lên, bạn sẽ thấy lợi của bé đỏ và sưng to, kèm theo sốt nhẹ. Mọc răng thường làm bé bị đau và rất khó chịu, do đó bé hay quấy khóc và lười ăn, thậm chí có bé sút cân nhanh.
Thông thường, các dấu hiệu có thể bao gồm:
- Chảy nhiều nước dãi: Khi bé mọc răng sẽ kích thích dây thần kinh thứ 5 khiến trẻ chảy nước dãi nhiều hơn thường ngày. Vì chức năng nuốt nước bọt của trẻ chưa hoàn thiện và khoảng miệng còn nông dẫn đến việc nước dãi chảy ra ngoài. Đến khi trẻ lớn và các răng mọc đầy đủ hơn thì hiện tượng này sẽ giảm dần.
- Nổi mẩn xung quanh cằm và miệng: Nguyên nhân là do nước dãi chảy nhiều khiến vùng da xung quanh miệng và cằm của bé dễ bị nổi mẩn trong thời kỳ mọc răng. Vì vậy, cha mẹ nên vệ sinh kỹ cho bé khi bé chảy nước dãi nhiều.
- Trẻ bị sốt nhẹ: Hệ miễn dịch của trẻ thay đổi khi mọc răng nên dẫn đến tình trạng sốt. Khi trẻ sốt nhẹ có thể chườm ấm, cho trẻ bú nhiều, thay quần áo thoáng mát. Khi sốt cao cần đưa trẻ đến trung tâm y tế để kiểm tra.
- Hay nhai cắn: Khi răng bắt đầu nhú lên khiến hàm bị ngứa khiến trẻ cắn mọi thứ để làm giảm cảm giác này.
- Trẻ quấy khóc, bú kém: Vì khó chịu, đau nhức nên trẻ sẽ quấy khóc và có thể bú kém, bỏ bú.
- Dấu hiệu khác: Các dấu hiệu khác như ho không kèm sốt, ngủ không ngon giấc, hay giật mình,… có thể là biểu hiện khi trẻ lên răng.
Hãy giúp bé vượt qua thời kỳ này với những lời khuyên dưới đây:
Những cách giúp bé dễ chịu hơn khi mọc răng
– Nấu cháo hoặc bột thật loãng cho bé và nhớ đừng bắt bé ăn bằng khẩu phần của ngày bình thường trong thời gian bé nhú răng.
– Nếu bé không muốn ăn cháo hoặc bột, hãy cho bé uống sữa thay thế. Chỉ 1 – 2 ngày bé sẽ bình thường trở lại.
– Bạn có thể dùng những thuốc dạng xịt để xoa dịu cơn đau. Nếu trẻ vẫn ko giảm đau, bạn có thể hỏi ý kiến bác sỹ.
– Đừng đợi đến khi mọc răng mới chải răng cho trẻ. Hãy dùng một chiếc gạc mềm có tẩm một chút nước ấm hoặc nước muối sinh lý để lau lợi cho bé khi bé chưa mọc răng.
– Nếu cho bé bú bình, hãy nhớ rút bình ra khỏi miệng bé thật nhẹ nhàng khi bé uống xong sữa. Đưa bình ra khỏi miệng bé mạnh hoặc đột ngột sẽ làm tình trạng đau răng của bé tăng thêm.
– Tính cách trẻ sẽ thay đổi: hay quấy, cáu gắt, không muốn chơi… Bạn hãy kiên nhẫn dỗ dành bé, mọi chuyện sẽ qua nhanh thôi.
– Đừng tự ý cho con uống thuốc khi thấy bé sốt. Nếu nghi ngờ về việc mọc răng của bé, hãy tới bác sĩ để biết chính xác bé đang bệnh hay sốt mọc răng.
Bạn đọc xem thêm bài viết: “Những quan niệm sai lầm về răng sữa“